Chắc chẳng mấy ai trải nghiệm cuộc sống đầy bất hạnh như ông Mười. Vợ mất năm ông mới ngoài ba mươi, để lại một bé gái lên ba và một bé trai chưa tròn hai tuần tuổi.
Ông cam chịu cảnh gà trống nuôi con với bao nỗi truân chuyên, nhưng nỗi đau đến bất tận khi bé gái mắc chứng bại não rồi vĩnh viễn rời xa ông sau mấy năm ròng sống thực vật.
Cố gạt đi nước mắt, ông dồn tất cả tình yêu và hy vọng vào cậu con trai. Vậy mà càng lớn nó càng hư đốn, suốt ngày kết bè lũ với đám choai choai mất nết đi quậy làng phá xóm. Nó còn dám đánh lại ông khi ông răn dạy nó. Chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa, đã hơn một lần ông muốn tìm đến cái chết nhưng lại không nỡ bỏ con.
Gần đây, nó bị bắt và bị kết án 20 năm tù vì dính líu vào một vụ giết người cướp của. Ông đã phải bán sạch nhà cửa và những gì mà cả một đời cơ cực ky cóp được để bồi thường cho nạn nhân. Những ngày còn chút sức lực, ông đi làm thuê ở đậu, may ra kiếm được ít tiền đi thăm nuôi thằng con bất hiếu.
Theo dòng thời gian, sức khỏe của ông suy sụp nhiều, ông phải sống những năm tháng cuối đời trong viện dưỡng lão. Có người cảm thương cảnh ngộ, mua sẵn cho ông một phần mộ trong nghĩa trang cuối xóm, để ít ra ông được một nơi an nghỉ tử tế.
Rồi một chiều trời nhẹ sang thu, qua hơi thở yếu dần ông thì thào cùng vị bác sĩ đang chăm sóc mình:
– Tôi muốn xin một ân huệ cuối cùng.
Vị bác sĩ nhẹ nhàng bảo:
– Vâng, ông cứ nói, tôi sẵn sàng giúp ông.
– Tôi xin hiến xác cho y học.
Quá bất ngờ trước lời đề nghị của bệnh nhân, vị bác sĩ hỏi lại:
– Ông nói nghiêm túc chứ?
– Tôi nói nghiêm túc.
Vị bác sĩ vẫn cảm thấy đau đáu:
– Tôi sẽ giúp ông toại nguyện… mà ông có thể nói vì sao không?
Ông gắng gượng cạn lời:
– Tôi muốn dành phần mộ, như gia tài cuối cùng của tôi cho con tôi. Dù nó đốn mạt thế nào đi nữa, nó vẫn là con tôi.
Nói rồi, ông lịm dần và ra đi theo lá vàng rơi.