Rẻ rúng

a) Ông Giu‑se bị các anh bán:

  • Những lái buôn người Ma‑đi‑an đi qua đó kéo Giu‑se lên khỏi giếng, rồi bán cậu cho người Ít‑ma‑ên hai mươi đồng bạc. (St 37, 28)

b) Giu‑đa bán Đức Giê‑su:

  • Giu‑đa Ít‑ca‑ri‑ốt đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc! (Mt 26, 14‑15)

c) Thử so giá với một cân dầu thơm:

  • Một trong các môn đệ của Đức Giê‑su là Giu‑đa Ít‑ca‑ri‑ốt, kẻ sắp nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12, 4‑5)

Cái chết đối với Đức Giê‑su

a) Về với Chúa Cha:

  • Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê‑su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha…
    (Ga 13, 1; 14, 1-3; 16, 28)

b) Một giấc ngủ:

  • (Đức Giê‑su cho con gái ông Gia‑ia sống lại) Mọi người đều đấm ngực khóc thương nó. Đức Giê‑su nói: “Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết. (Lc 8, 52‑53;
    Mt 9, 23‑25)
  • (Anh La‑da‑rô sống lại) Người bảo họ: “La‑da‑rô, bạn chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” (Ga 11, 11)

Quy trình Đức Giê‑su bị xét xử

a) Trước tiên, người Do‑thái điệu Đức Giê‑su đến ông Kha‑nan là nhạc phụ ông Cai‑pha. Ông Cai‑pha làm thượng tế năm đó. (Ga 18, 13)

b) Ông Kha‑nan cho giải Người đến thượng tế Cai‑pha, Người vẫn bị trói. (Ga 18, 24)

c) Người Do‑thái điệu Đức Giê‑su từ nhà ông Cai‑pha đến dinh tổng trấn Phi‑la‑tô. (Ga 18, 28)

d) Khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê‑rô‑đê, ông Phi‑la‑tô liền cho áp giải Người đến với nhà vua,
lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê‑ru‑sa‑lem. (Lc 23, 7)

e) Vua Hê‑rô‑đê khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi‑la‑tô. (Lc 23, 11)

f) Phi‑la‑tô phóng thích Ba‑ra‑ba, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê‑su thì ông trao nộp cho người Do‑thái đóng đinh vào thập giá. (Lc 23, 25; Ga 19, 16)

Tên trộm lành (Lc 23, 39‑43)

Hai tên gian phi cùng bị treo trên thập giá với Đức Giê‑su. Một trong hai kẻ gian đó người ta quen gọi là tên trộm lành, thật ra tên trộm nào cũng dữ cả! Có thể nói tên trộm lành là người tuy đã từng gian manh, cướp bóc, mà vào giờ thứ hai mươi tư của cuộc đời đã cướp được Nước Trời bằng sự thống hối chân thành.

  • Anh ta thưa với Đức Giê‑su: “Ông Giê‑su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 42‑43)

Và đây cũng là lần duy nhất Đức Giê‑su được gọi đích danh: “Ông Giê‑su ơi.” (Lc 23, 42)

Đức Giê‑su kêu lớn tiếng hai lần trước khi chết

  • Đức Giê‑su kêu lớn tiếng: “Ê‑li, Ê‑li, lê‑ma xa‑bác‑tha‑ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” (Mt 27, 46) (Mc 15, 34)
  • Đức Giê‑su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. (Mt 27, 50) (Mc 15, 37)

Người đã dùng lời Thánh Vịnh để cầu nguyện cùng với Chúa Cha: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!” (Tv 22, 2)

Bảy lời cuối cùng của Đức Giê‑su

a) Tin Mừng Mát‑thêu (một lời):

  • Vào giờ thứ chín, Đức Giê‑su kêu lớn tiếng: “Ê‑li, Ê-li, lê‑ma xa‑bác‑tha‑ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”
    (Mt 27, 46) (x. Tv 22, 2) (x. Mục 65)

Có lẽ đây là lời kêu than xé lòng nhất trong bảy lời cuối cùng của Người. Vì cô đơn bao giờ cũng là nỗi đau đớn nhất. Tại vườn Ghết‑sê‑ma‑ni, Người đã phải thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.” (Mt 26, 38)
(x. Ga 12, 27)

b) Tin Mừng Lu‑ca (ba lời):

  • Bấy giờ Đức Giê‑su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34)
  • Và Người nói với tên gian phi sám hối: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 43)
  • Đức Giê‑su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23, 46) (x. Tv 31, 6)

c) Tin Mừng Gio‑an (ba lời):

  • Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê‑su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ:
    “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19, 26‑27)
  • Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói:
     “Tôi khát!” (Ga 19, 28) (Tv 69, 22)
  • Đức Giê‑su nói: “Thế là đã hoàn tất.” (Ga 19, 30)

Đức Giê‑su bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn

  • Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. (Ga 19, 34)

Người bị đâm vào cạnh sườn phải hay cạnh sườn trái?

Dù Kinh Thánh không ghi rõ, nhưng xem chừng Người bị đâm cạnh sườn phải thì hợp lý hơn, vì:

a) Con suối từ bên phải Đền Thờ chảy ra:

  • Người ấy dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ. (Ed 47, 1‑2)

b) Đức Giê‑su nhận Người là Đền Thờ:

  • (Sau khi Đức Giê‑su xua đuổi tất cả ra khỏi Đền Thờ) Người Do‑thái hỏi Đức Giê‑su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giê‑su đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” … Đền Thờ Đức Giê‑su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (Ga 2, 18‑21)

Phép lạ lớn nhất của Đức Giê‑su: Phục Sinh

a) Chính Người tiên báo ba lần trong Tin Mừng Mát‑thêu:

  • Đức Giê‑su Ki‑tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê‑ru‑sa‑lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (Mt 16, 21; 17, 22‑23; 20, 17‑19)

b) Tin Mừng Gio‑an:

  • Đức Giê‑su nói với cô Mác‑ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.” (Ga 11, 25) (x. Ga 14, 6)
  • “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền
    hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.” (Ga 10, 18; 8, 28)
  • “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” … Đền Thờ Đức Giê‑su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê‑su đã nói. (Ga 2, 19‑22)

c) Thư 1 Cô‑rin‑tô:

  • Đức Ki‑tô đã chết… rồi được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê‑pha, rồi với Nhóm Mười Hai… Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi. (1Cr 15, 3‑8; Cl 1, 18;
    1Pr 3, 18) (x. Lc 24, 23‑35)
  • Nếu Đức Ki‑tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng…Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki‑tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. (1Cr 15, 14.19) (Cv 1, 21-22)

d) Sách Khải Huyền:

  • “Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời.” (Kh 1, 18) (Cv 2, 24; 3, 1-16)

Thánh Phao‑lô, vị Tông Đồ duy nhất dám khuyên người khác bắt chước mình

  • “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki‑tô.” (1Cr 11, 1) (1Cr 4, 16)
  • “Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em.” (Pl 3, 17)
  • “Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.” (2Tx 3, 7.9) (1Tx 1, 6)
  • Ông Phao‑lô nhìn thẳng vào Thượng Hội Đồng rồi nói: “Thưa anh em, cho đến ngày hôm nay, tôi đã ăn ở trước mặt Thiên Chúa với một lương tâm hoàn toàn ngay thẳng.” (Cv 23, 1; 24, 16)

Theo Thánh Phao‑lô, Tin Mừng phải được loan báo không công

  • Đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. (1Cr 9, 18)
  • Một khi chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, nếu chúng tôi gặt của vật chất nơi anh em, thì đâu có phải là chuyện quá đáng? … Nhưng chúng tôi đã không dùng quyền đó. (1Cr 9, 11‑12)
  • Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em
    Tin Mừng của Thiên Chúa? (2Cr 11, 7) (x. Mt 10, 8)

Bình Luận