Đôi mắt và sự cám dỗ

a) Sa ngã:

  • Người đàn bà thấy trái đó: ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. (St 3, 6)

b) Vua Đa‑vít phạm tội:

  • Vào một buổi chiều, vua Đa‑vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc
    tuyệt vời. (2Sm 11, 2) (Tv 119, 37) (G 31, 1)

c) Bà Su‑san‑na:

  • Giữa trưa, khi dân đã rút lui, bà Su‑san‑na vào đi dạo trong vườn của chồng. Hai kỳ mục thấy bà mỗi ngày vào đi dạo, thì sinh lòng ham muốn. (Đn 13, 7‑8)

d) Đức Giê‑su chịu cám dỗ:

  • Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy. (Mt 4, 8)

e) Chớ ngoại tình:

  • “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi…”
    (Mt 5, 28‑29)

Bổn phận của cha mẹ

a) Sách Sáng Thế:

  • Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất.” (St 1, 27‑28; 9, 7) (Tv 8, 7)

b) Sách Thánh Vịnh:

  • Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. (Tv 127, 3)

c) Sách Huấn Ca:

  • Có con cái ư? Hãy giáo dục và uốn nắn chúng ngay từ thuở còn thơ. (Hc 7, 23)
  • Thương con thì cho roi cho vọt, sau này sẽ vui sướng vì con. Ai biết giáo dục con sẽ được thỏa lòng về con, và được hãnh diện với những người quen biết.
    (Hc 30, 1‑2)

d) Các sách Tân Ước:

  • Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. (Ep 6, 4)
  • Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. (Cl 3, 21)

Hiếu Thảo

Hiếu thảo là luật buộc và là một tâm tình đẹp trong Kinh Thánh.

a) Sách Xuất Hành:

  • “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu
    trên đất mà Đức Chúa ban cho ngươi.” (Xh 20, 12)
    (x. Đnl 5, 16)

b) Sách Huấn Ca:

  • Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.
    (Hc 3, 3.16) (x. Lv 20, 9)
  • Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng? (Hc 7, 27‑28)

c) Sách Châm Ngôn:

  • Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. (Cn 6, 20)
  • Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời sửa dạy. (Cn 13, 1)
  • Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha. (Cn 17, 6)

d) Các sách Tân Ước:

  • Đức Giê‑su nói với mấy người Pha‑ri‑sêu và mấy kinh sư: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.” (Mt 15, 4)
  • Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. (Ep 6, 2‑3)
  • Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. (Cl 3, 20)

e) Gương hiếu thảo của Đức Giê‑su:

  • Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na‑da‑rét và hằng vâng phục các ngài. (Lc 2, 51)
  • Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê‑su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26‑27)

Khuôn vàng thước ngọc

  • “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô‑sê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7, 12)
    (x. Lc 6, 31)
  • “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả.” (Tb 4, 15)
  • “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20, 35)
  • “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời.” (Cl 3, 23) (1Cr 16, 14)

Các từ: Tin Mừng, Hội Thánh… xuất hiện khi nào trong Kinh Thánh?

a) Tin Mừng: Từ “Tin Mừng” xuất hiện lần đầu trong sách I‑sai‑a, và sau này sẽ được gắn liền với bốn sách của Mát‑thêu, Mác‑cô, Lu‑ca và Gio‑an.

  • Hỡi kẻ loan Tin Mừng cho Xi‑on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan Tin Mừng cho Giê‑ru‑sa‑lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. (Is 40, 9)

b) Dân Thánh: Từ “Dân Thánh” xuất hiện lần đầu trong sách Xuất Hành, về sau Thánh Phao‑lô thường dùng trong các thư của Ngài.

  • Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một Dân Thánh. (Xh 19, 6) (Rm 1, 7; 1Cr 1, 2; 2Cr 1, 1; Ep 2, 19) (1Pr 2, 9)

c) Hội Thánh: Từ “Hội Thánh” được sử dụng lần đầu trong sách Công Vụ.

  • Toàn thể Hội Thánh và tất cả những ai nghe chuyện này (Chuyện Kha‑na‑ni‑a và Xa‑phi‑ra gian lận) đều rất sợ hãi. (Cv 5, 11) (Cv 11, 26)

d) Đạo: Đây là tên gọi của Ki‑tô giáo, lần đầu được sử dụng trong sách Công Vụ (Cv 9, 2). Từ “Đạo” còn xuất hiện trong các thư của Thánh Phao‑lô.

  • Ông Sao‑lô xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa‑mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì trói giải về Giê‑ru‑sa‑lem. (Cv 9, 2) (Cv 18, 26; 19, 9.23; 22, 4; 24, 14.22) (x. 1Cr 16, 15; 1Tm 1, 3)

e) Ki‑tô hữu:

  • Chính tại An‑ti‑ô‑khi‑a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki‑tô hữu. (Cv 11, 26) (Cv 26, 28; 1Pr 4, 16)

Cây Sự Sống (Cây Trường Sinh) giữa Vườn Địa Đàng là hình bóng của Cây Thập Giá trên đồi Gôn‑gô‑tha

a) Cây Sự Sống ở giữa vườn được nói tới trong những trang đầu (Sách Sáng Thế) và những trang cuối (Sách Khải Huyền) của bộ Kinh Thánh:

  • Đức Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây Trường Sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. (St 2, 9)
  • Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” (St 3, 2‑3)
  • Đức Chúa nói: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây Trường Sinh mà ăn và được sống mãi.” (St 3, 22)
  • Ở giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sông, có cây Sự Sống sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại. (Kh 22, 2) (x. Ed 47, 12)
  • Ai mà bớt điều gì trong các lời của sách sấm ngôn này, thì Thiên Chúa sẽ bớt phần người ấy được hưởng nơi cây Sự Sống và Thành Thánh, là cây và thành mô tả trong sách này. (Kh 22, 14.19)

b) Thập Giá của Đức Giê‑su ở giữa hai người gian phi:

  • Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp‑ri là Gôn‑gô‑tha, tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê‑su thì ở giữa. (Ga 19, 17‑18)

c) Thập giá Đức Giê‑su và sự sống đời đời:

  • “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12, 32)

Từ vườn địa đàng đến vườn Ghết‑sê‑ma‑ni

a) Sự bất tuân của con người trong vườn địa đàng:

  • Người đàn bà thấy trái cây đó: ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. (St 3, 6) (x. Mục 21a)

b) Lời xin vâng của Đức Giê‑su trong vườn Ghết‑sê‑ma‑ni:

  • Người nói: “Áp‑ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14, 36) (Mt 26, 42; Lc 22, 42)
  • Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính. (Rm 5, 19)

Từ tấm khăn tã đến tấm khăn liệm

a) Tấm khăn tã:

  • Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (Lc 2, 7)
  • “Anh em (những người chăn chiên) cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2, 12)

b) Tấm khăn liệm:

  • Ông Giô‑xếp đến hạ thi hài Người xuống. Ông Ni‑cô‑đê‑mô cũng đến… Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giê‑su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn… Gần đó có một thửa vườn và trong vườn có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai… Các ông mai táng Đức Giê‑su ở đó. (Ga 19, 38‑42)

Đức Giê‑su sinh ra trong thân phận nghèo hèn, nhưng cuộc tẩm liệm và mai táng thì xứng với địa vị quân vương của Người, như đã được tiên báo qua biến cố các nhà chiêm tinh đến bái lạy Người và dâng tiến vàng, nhũ hương và mộc dược. (x. Mt 2, 1‑12). Và chính Đức Ki‑tô cũng tiên báo tại Bê‑ta‑ni‑a, khi cô Ma‑ri‑a lấy một cân dầu thơm quý giá xức chân Người: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” (Ga 12, 7) (x. Is 53, 9)

Từ tiệc cưới Ca‑na đến Tiệc Ly

a) Tại tiệc cưới Ca‑na, Đức Giê‑su đã biến nước thành rượu, để cho các khách dự tiệc được niềm vui trọn vẹn:

  • Đức Giê‑su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” … Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” … Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu. (Ga 2, 7‑9)

b) Tại bữa Tiệc Ly, Đức Giê‑su biến rượu thành máu của Người để muôn người được sống:

  • Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22, 20) (x. Mt 26, 26‑29; Mc 14, 22‑25; 1Cr 11, 23‑25)

Từ núi Ta‑bo đến đồi Gôn‑gô‑tha

a) Núi Ta‑bo, Đức Giê‑su hiển dung (Mt 17, 1‑8; Mc 9, 2‑8; Lc 9, 28‑36)

  • Dung nhan Người chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (Mt 17, 2; Lc 9, 29)
  • Có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô‑sê và ông Ê‑li‑a. (Mt 17, 3; Lc 9, 30)
  • Ông Phê‑rô phấn khởi thưa với Đức Giê‑su: “Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Mô‑sê một cái, và ông Ê‑li‑a một cái.” (Mt 17, 4; Lc 9, 33)
  • Có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” (Mt 17, 5; Lc 9, 35)

b)   Đồi Gôn‑gô‑tha: Đức Giê‑su gục chết! (Mt 27, 32‑55; Mc 15, 21‑39; Lc 23, 33‑46; Ga 19, 1‑30)

  • Dung mạo Người không còn chói lọi, y phục Người không còn trắng tinh nữa… Người bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ.
    Ông Phi‑la‑tô nói với họ: “Đây là Người.” (Ga 19, 5; Mt 27, 27‑31)
  • Thay vì ông Mô‑sê và ông Ê‑li‑a là hai tên gian phi bị treo trên thập giá cùng với Người, một tên bên phải, một tên bên trái. (Lc 23, 33; Ga 19, 18)
  • Ông Phê‑rô không còn xin dựng ba lều nữa mà chối Thầy đến ba lần: “Tôi không biết người ấy.”
    (Mt 27, 69‑75; Lc 22, 54‑61)
  • Không phải là tiếng phán từ đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu,” mà những lời cười nhạo từ đám đông: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki‑tô của Thiên Chúa.” Ngay cả một trong hai tên gian phi cũng nhục mạ Người. (Lc 23, 35.39;
    Mt 27, 39‑44)

Bình Luận