Gọi nó là thằng Cùi cũng tội nghiệp nó. Đúng là nó bị mất một nửa bàn tay trái, nhưng không phải vì phong cùi mà do tai nạn lao động.

Nhiều năm trước, nó được người ta lượm trước cổng cô nhi viện vào một sáng mùa đông rét buốt, lúc đó nó mới vài ngày tuổi, nhăn nheo tím ngắt. Nó được cô nhi viện tiếp nhận như một thành viên với tên gọi thật ý nghĩa và dễ thương – Hàn Nhi (Thằng bé cơ hàn). Cũng chính tại đây, tuổi thơ của nó lặng thầm trôi qua.

Đến năm mười hai tuổi, cậu thiếu niên điển trai Hàn Nhi may mắn được một gia đình giàu có nhận làm con nuôi. Và nó bắt đầu bước sang một ngã rẽ mới.

Bố mẹ nuôi cũng là dân quê nhưng bề thế nhất nhì trong làng. Họ có trang trại thơ mộng, có ruộng nương cò bay thẳng cánh, có bò đàn, có người thuê kẻ mướn, có máy cày, máy tuốt lúa… Cái mà họ thiếu là một đứa con. Họ cưới nhau trên mười năm, chạy vạy đủ thầy đủ thuốc, khấn vái tứ phương nhưng vẫn không sanh được một mụn con. Rồi ai đó mách bảo họ đi tìm một đứa con nuôi, mà phải là con trai, để may ra nhờ lộc thằng con nuôi mà người vợ được một lần vượt cạn.

Đó là lý do nó hiện diện trong nhà đại gia này với tư cách một đứa con. Bố mẹ nuôi không dám gọi nó là Hàn Nhi, vì e rằng gọi tên đẹp ông bà quở thì mất cả chì lẫn chài. Họ phải gọi nó bằng cái tên xấu hơn – Lượm, thằng Lượm, đúng như thân phận đầu đời của nó.

Về phần thằng Lượm, được kể là “lên voi” vì nó có những thứ mà nó hằng mơ ước: gia đình, bố mẹ và sự nuông chiều. Thế là thằng Lượm say sưa ngụp lặn trong hạnh phúc.

Người đời nói thế mà linh, chỉ ba năm kể từ ngày nhận con nuôi, mẹ nuôi hạ sanh một “công chúa”. Ước mơ đã thành hiện thực. Bố được làm bố, mẹ được làm mẹ, thằng Lượm được làm anh trai. Niềm vui ngập tràn như nước vỡ bờ!

Khi con bé thôi nôi, ông bà đưa cả nhà đi xem bói quẻ. Gặp phải ông thầy bói xấu mồm độc miệng, phán rằng tuổi con bé và tuổi thằng Lượm khắc kỵ nhau, khéo chừng mai sau thằng anh chiếm đoạt hết tài sản của con em. Nghe mà chết khiếp! Ông bà tìm cớ tống cổ thằng Lượm đi cho rảnh nợ. Mà phần vì nó ngoan hiền và hiếu thảo, phần vì sợ miệng đời lên án nên ông bà đành giữ nó lại, nhưng đối xử với nó không bằng một đứa đầy tớ.

Cuộc đời thằng Lượm lại bắt đầu “xuống chó”! Nó không được quyền ăn cùng bàn với bố mẹ nữa, không được phép nựng nịu, ẵm bồng em bé, cũng không còn được cắp sách đến trường. Nó phải làm việc quần quật suốt cả ngày với đám người thuê. Và trong một ngày không may, nó bị mất nửa bàn tay trái khi đang vận hành máy tuốt lúa. Tội nghiệp thằng Lượm, ngay cả khi đau đớn tột cùng, khi mà tận mắt nhìn thấy một phần máu thịt của mình thấm đỏ lúa hạt, lòng trung thành với bố mẹ nuôi vẫn không mảy may suy giảm.

Và cũng từ tai nạn đó, người ta nhẫn tâm gọi nó bằng cái tên mới – thằng Cùi.

Sau mấy tháng bàn tay cùi lành vết sẹo, thằng Cùi lại ra đồng, vui vẻ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nó không nghĩ ngợi gì, cũng không oán trách ai. Dù nó vẫn biết tình cảm của bố mẹ nuôi dành cho mình vốn chẳng ngọt bùi, giờ lại càng nhạt nhẽo hơn.

Rồi một chiều cuối mùa thu hoạch, trang trại đầy ắp nông sản. Năm nay bội thu hơn những năm trước. Ông bà cho giết bê béo cúng tạ Thần Nông, đồng thời thết đãi bà con xa gần và người làm công. Thịt rượu đầy bàn, mọi người ăn uống no say, chỉ trừ thằng Cùi cứ mải miết chạy xuôi chạy ngược, phục vụ hết bàn này đến bàn khác. Tiệc tàn, thực khách lần lượt ra về. Ông bà bước ra vườn trước ngả lưng. Còn mấy người giúp việc cũng đi chân cao chân thấp.

Bỗng đâu một ngọn lửa phát ra từ căn bếp rồi nhanh chóng cháy bùng lên. Buổi chiều no gió càng đưa ngọn lửa lan nhanh hơn. Chẳng mấy chốc, cả trang trại ngập chìm trong khói đen nghịt. Tiếng nổ lách tách cùng với những đóm sáng bắn ra, càng làm tăng thêm sự dữ tợn của ngọn lửa. Ai nấy đều chạy tán loạn và kêu la ầm ĩ. Ông bà cũng vừa kịp tỉnh người để chứng kiến đám cháy.

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, thằng Cùi hớt hải tìm em gái. Nó la lên:

– Bố mẹ ơi em đang ở đâu?

Nghe tiếng la của thằng Cùi, bà mẹ mới sực nhớ đến con gái, bà ú ớ đưa tay chỉ vào trang trại đang ngập lửa, rồi ngã vật ra bất tỉnh. Còn ông bố đứng thẫn thờ như bị chôn chân tại chỗ. May quá, giữa bao tiếng ồn ào, thằng Cùi còn nghe tiếng khóc lạc lõng của em gái. Nhanh như cắt, nó phóng mình vào đám khói mịt mù, lao thẳng về hướng có tiếng khóc. Từng tích tắc tích tắc trôi qua thật nặng nề. Thời gian như thể ngừng lại… Và kìa một phép màu! Thằng Cùi bế em gái lảo đảo chạy trở ra. Nó đã đuối sức. Nó qụy ngã và cố gượng dậy để rồi lại ngã quỵ. Nhưng trước khi sức lực hoàn toàn bị vắt kiệt, thằng Cùi còn kịp quăng em gái ra ngoài. Liền sau đó nó biến thành ngọn đuốc.

Ngày hôm sau, rất đông dân làng ngậm ngùi đưa tiễn thằng Cùi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không lìa xa quan tài nửa bước là bố mẹ và em gái, đầu trắng khăn tang. Tất cả đều tiếc thương một con người đã dám chết cho người khác được sống, một trái tim nhân ái đã ngừng đập. Đâu đó, tiếng chuông chùa trầm trầm vọng lại như chiêu hồn thằng Cùi đi vào cõi thiên thai.

Nơi suối vàng chắc hẳn thằng Cùi cũng mỉm cười mãn nguyện, vì dù muộn màng nó vẫn có được điều nó hằng mơ ước, đó là tình yêu của bố mẹ và em gái.

thang-cui

Bình Luận