Vi Vi, một thiếu nữ không đài các quyến rũ như hoa hồng hoa lan, nhưng duyên dáng mặn mà như hoa đồng nội. Không ít chàng trai tuấn tú muốn kết tóc xe tơ cùng chị, thế mà chị lại tự nguyện nâng khăn sửa túi cho một chàng phế binh. Nếu ai đó buồn miệng hỏi tại sao vậy, chị chúm chím cười đáp lại: “Tại Trời”.

Ngày ấy chị Vi Vi là y tá đang công tác tại một bệnh viện quân đội, còn anh được đồng đội đưa vào bệnh viện trong tình trạng thập tử nhất sinh. Các y bác sĩ đã làm hết sức mình cũng chỉ giữ lại được sự sống chứ không giữ lại được cánh tay phải và đôi mắt cho anh.

Biết rõ hoàn cảnh khốn cùng của anh, một phế binh trẻ không nhà cửa, không người thân, nên bệnh viện yêu cầu chị quan tâm đến anh đặc biệt hơn các bệnh nhân khác. Còn anh, khi lìa xa cô nhi viện gia nhập quân đội, luôn hy vọng tìm được lẽ sống cho cuộc đời, nào ngờ trái mìn quái ác đã đưa anh lâm vào cảnh sống không bằng chết, đã ném anh vào vũng tối mênh mông. Hơn một lần anh chới với trong tuyệt vọng tột cùng, anh van xin được chết bằng cái chết nhân đạo. Nhưng thay vì tiêm độc dược vào tĩnh mạch để anh nhẹ nhàng đi vào cõi vĩnh hằng, cô y tá hiền thục lại tiêm liều thuốc trường sinh bất tử vào tim anh. Liều thuốc tiên này được pha chế bằng những lời dỗ dành ngọt ngào như lời ru của mẹ, bằng những cử chỉ ân cần sâu nặng tình người. Từng ngày như thế. Nhiều ngày như thế. Sức sống bắt đầu hồi sinh trong anh và tình yêu bắt đầu len lén trong chị.

Rồi tình yêu hai người đã thăng hoa và được chúc phúc trong ngày cưới. Họ sống bên nhau thanh bần mà đầy ắp niềm vui. Anh sùng bái chị như thiên thần. Còn chị nâng niu anh như nâng trứng. Anh thường nựng nịu chị bằng câu nói:

– Giá mà có phép màu, anh xin được nhìn thấy em, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi.

Chị luôn thêm sức mạnh cho anh:

– Hãy tin tưởng và hy vọng đi anh!

Hai năm sau, chị sanh cho anh một đứa con gái. Niềm vui như vỡ bờ, anh vụng về đưa bàn tay còn lại mân mê con trẻ. Anh lại nói:

– Giá mà có phép màu, anh xin được nhìn thấy mẹ con em, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi.

Chị lại tiếp sức anh:

– Hãy tin tưởng và hy vọng đi anh!

Thời gian dần trôi. Dù anh đã quen thuộc từng giọng nói tiếng cười, từng bước đi và hơi thở, cả mùi mồ hôi của vợ con anh, nhưng anh vẫn canh cánh trong lòng một phép màu. Rồi trong một đêm đầy sao chị thỏ thẻ bên chồng:

– Anh còn tin có phép màu không?

– Có. Anh vẫn tin. Và anh đang sống trong phép màu đấy. Một người lẽ ra bị vứt bỏ như anh lại có em đồng hành và có con tiếp bước, không phải là phép màu sao?

Chị cảm động:

– Anh tàn mà không phế đâu. Anh đáng được hưởng nhiều hơn thế. Này nhé, đã có người bằng lòng tặng anh giác mạc rồi đó.

Anh run lên:

– Anh không nằm mơ đấy chứ. Mà ai vậy em? Người ấy muốn đôi mắt mình vẫn còn nhìn thấy sau khi chết hả em? Người ấy phải là bậc thánh hiền, nhất định thế.

Chị giàn giụa nước mắt:

– Ước mơ được thấy em và con của anh sẽ thành hiện thực.

Vào thời điểm thích hợp anh được đưa đến bệnh viện chuyên về mắt, các bác sĩ chuẩn bị mọi sự một cách tốt nhất để thay giác mạc cho anh. Anh được thay giác mạc bên phải theo nguyện vọng của người cho.

Cuộc giải phẫu thành công mỹ mãn, mắt phải của anh được trả lại đầy đủ chức năng của nó. Anh mở mắt sung sướng đón nhận những tia sáng đầu tiên sau bao năm mất hút. Anh nhìn quanh tìm vợ tìm con để nhỡ may phép màu chỉ đến với anh trong một khoảnh khắc, nhưng bên cạnh anh lúc này chỉ có các y bác sĩ thôi. Anh đòi được biết ai đã cho anh giác mạc phải.

Bác sĩ trao cho anh tờ giấy “ĐƠN TỰ NGUYỆN HIẾN GIÁC MẠC”. Anh không thể tin vào mắt mới ghép của mình. Anh đọc đi đọc lại rồi òa khóc như trẻ mới lên ba. Người hiến giác mạc phải cho anh, không ai khác hơn là người vợ yêu dấu của anh, chị Vi Vi.

 

Bình Luận