“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” Lúc này câu hát đó càng thấm thía hơn, lúc mà thầy trò phải gạt lệ chia xa. Nhờ qua những ưu tư của học trò, ông giáo trường làng muốn một lần nữa gởi gắm tâm tư và nguyện vọng của mình.

1. Bố ơi, những khi nhụt chí, làm thế nào để lấy lại tinh thần?

Ông giáo trầm ngâm giây lát rồi đáp:

– Tôi chỉ cho các bạn con đường mà tôi đã đi qua. Gặp những lúc tưởng chừng sắp gục ngã, bạn hãy nghĩ đến bố mẹ và những người thật sự yêu thương mình.

Riêng trong phạm vi học tập, các bạn hãy tự vấn: “Tôi học cho ai đây?” Và: “Ai tài trợ để tôi đi học?” Rồi nghiêm túc tự trả lời.

Nếu các bạn còn biết nghĩ đến mồ hôi và máu của bố mẹ mình, nghĩ đến bao hi sinh của các ân nhân, bạn sẽ vùng dậy ngay chỗ ngã, như tôi đã từng ngã và đã từng đứng lên. Hãy thử xem!

2. Bố ơi, học làm sao để khỏi quên?

Ông giáo cười híp mắt:

– Các bạn hay quên bằng tôi không? Tôi vẫn thường đùa học để quên mà! Dám chắc không ai mà không quên, vấn đề là sớm hay muộn thôi. Cũng như ta ăn no bụng bao nhiêu đi nữa vẫn sẽ đói. Ai ăn mà không đói coi chừng khốn nữa!

Vậy học rồi quên là chuyện đương nhiên, các bạn đừng quá bận tâm. Khi ta đun nước đến độ sôi sùng sục. Bạn tắt lửa. Vừa khi tắt lửa, nước sôi bắt đầu bớt sùng sục. Bạn đổ nước sôi vào bình thủy loại cực kỳ tốt để giữ độ nóng lâu dài. Nhưng nước vẫn cứ nguội dần.

Nếu bạn muốn nước sôi sùng sục như cũ, phải đun lại thôi. Mà muốn đun lại cho mau sôi thì đừng để nước trong bình thủy nguội đến mức lạnh tanh.

Vậy nguyên tắc muôn thuở vẫn là…

Một học trò nhanh nhảu:

– Dạ con hiểu rồi: “Văn ôn võ luyện”.

3. Bố ơi, yếu tố nào dẫn đến thành công?

Ông giáo khiêm tốn trả lời:

– Các bạn hỏi đúng vào chỗ yếu của tôi. Tôi đã không thành công trên đường học vấn cả trên đường đời. Có lẽ gần 70 năm cuộc đời tôi chỉ thành công mỗi một việc, đó là “cưới vợ”.

Thầy trò cười òa lên… Ông giáo tiếp lời:

– Muốn thành công phải kiên trì nỗ lực. Hãy nghĩ đến hình ảnh một con thuyền đang ngược dòng, nếu không tiến tức là lùi.

Nhưng sự thường nỗ lực vẫn chưa đủ để thành công nếu thiếu đi một trong ba yếu tố sau đây:

  • Đủ năng lực
  • Đủ sức khỏe
  • Chút may mắn

Như thế, nếu các bạn đã cố hết mình mà không đạt kết quả, các bạn hãy bằng lòng với sự an bài. Nhưng chúng ta thường lẫn lộn giữa mức tột cùng của nỗ lực và sự khởi đầu của tính ươn hèn. Coi chừng đấy.

Nhân thể tôi nghiêm túc cảnh báo các bạn: “Con không hơn cha là bất hiếu. Trò không hơn thầy là bất nghĩa.”

4. Bố nghĩ gì về tệ nạn quay cóp, gian lận trong thi cử?

– Biết nói sao nhỉ? Chuyện thi gian, bằng giả xưa như trái đất rồi và có thể kéo dài đến vô tận. “Thế gian” mà, có phải “thế ngay” đâu. “Học giả” mà, có phải “học thật” đâu. Tôi đọc bài “Vịnh Tiến Sĩ Giấy” của Thi sĩ Nguyễn Khuyến (1835-1909) cho các bạn nghe nhé:

VỊNH TIẾN SĨ GIẤY

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời!
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

Điều đáng buồn là ngày nay vấn đề thi gian, bằng giả trở thành chuyện cơm bữa. Thậm chí người ta còn muốn khen tặng những kẻ ma mãnh là can đảm. Họ lý luận rằng người nhút nhát không bao giờ dám gian lận. Rất tiếc họ quên là người can đảm không chỉ nhút nhát mà còn sợ làm điều xấu nữa.

Càng đáng buồn hơn, gian lận trong thi cử đã len lỏi cả vào hàng ngũ đáng kính như giới tu sĩ, các nhà mô phạm nhiều đến mức báo động.

Có mỉa mai không, ngày xa xưa ông bà dạy con cháu:

“Học ăn học nói,
Học gói học mở.”

Bây giờ lũ trẻ nghêu ngao trong sân trường:

“Học ăn học nói,
Học gói học mở.
Học giở tài liệu!”

Tôi biết các bạn không dễ gì nghe theo lời khuyên của tôi nhưng tôi vẫn khuyên các bạn: Đừng tiếp tay cho điều xấu. Hãy can đảm nói không với mọi hình thức gian lận. Rất có thể các bạn phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng thắng được chính mình tự nó đã là phần thưởng rồi.

Hãy là chính mình, các bạn nhé!

5. Khi giảng dạy chúng con, bố thường nhắc đến Chúa. Chúng con biết bố rất tin Chúa nhưng bố có thấy Chúa bao giờ chưa?

– Trước hết để nói về Đấng Tối Cao có nhiều danh xưng được dùng như: Chúa, Thiên Chúa, Đức Chúa, Thượng Đế, Tạo Hóa, Đức Chúa Trời, Ông Trời, Trời. Chắc chắn danh xưng Trời là thân quen nhất. Hầu như bất cứ ai, thuộc bất cứ đạo giáo nào, kể cả người vô thần khi rơi vào tình huống tuyệt vọng tột cùng đều thốt lên “Trời ơi!” (Oh my God!)

Còn nói tôi rất tin vào Chúa thì không đúng lắm. Thật sự tôi tin vào Chúa nhưng lòng tin tôi còn yếu kém (Mc 9, 24). Tôi là người hèn tin.

Còn hỏi tôi có thấy Chúa không. Tôi xin nhờ đến câu trả lời của Thánh Phaolô trong thư 1 Ngài gửi môn đệ Timôthê: “Chỉ mình NGƯỜI là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.” (1Tm 6, 16)

Và vấn nạn bây giờ là không thấy sao lại tin?

Đức tin là một bước nhảy vọt, là một thực tại nghịch lý. Không thấy mới tin. Chưa gặp mới tìm. Không ai tin cái mình đã thấy tận mắt, sờ tận tay, vì đó là chuyện đương nhiên. Cũng như chẳng ai đi tìm cái mình đã gặp rồi.

Nói thế không có nghĩa tin là mù quáng. Cái gì cũng tin. Nhưng phải dựa trên những nền tảng vững chắc. Tôi xin tạm đưa ra hai ví dụ:

Ví dụ 1: Năm nay là năm 2016. Mười năm nữa là năm 2026. Không ai nói, tôi tin mười năm nữa là đến năm 2026, vì đó là lẽ đương nhiên. Nhưng ta có thể nói, tôi tin là tôi sống đến năm 2026. Tôi tin như thế vì dựa vào tuổi tác và sức khỏe hiện tại. Nhưng cũng không chắc 100% là tôi sống đến đó.

Ví dụ 2: Các bạn sắp đi thi. Tôi tin là các bạn sẽ thành công. Tôi tin trước hết là vì chuyện đó chưa xảy ra mà cũng chưa chắc đúng 100%. Nhưng tôi vẫn tin vì dựa vào lực học và sự cố gắng của các bạn. Còn nếu các bạn có kết quả rồi thì đậu hay hỏng đã quá rõ ràng còn tin gì nữa.

Tôi xin trở lại với niềm tin vào Thiên Chúa. Đức tin không phải là một cái gì minh bạch nhưng là bước đi dò dẫm tìm về cái vô cùng, một cuộc tìm kiếm không bao giờ đạt được đối tượng. Dầu vậy, Kitô hữu chúng tôi vẫn khiêm tốn và can đảm bước đi vì chúng tôi không khởi sự từ hư vô, từ những ảo tưởng mà trái lại chúng tôi dựa vào những nền tảng vững chắc. Đó là: Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh.

Lại một lần nữa, tôi nhờ đến lời dạy của Thánh Phaolô về đức tin để kết thúc: “Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là phương thế nhận thức các thực tại người ta không thấy.” (Hipri 11, 1)

6. Chắc chắn đời bố cũng có nhiều ước mơ. Nếu không phải là gì bí mật, Bố có thể…?

Ông giáo cười nhẹ:

  • Chẳng có gì bí mật, chỉ ngại chia sẻ thôi. Tôi có hai ước mơ lớn nhất trong đời:
  • Một là, các con tôi giỏi giang hơn, thành đạt hơn và đức hạnh hơn tôi.
  • Hai là, một trong các con tôi là Linh Mục thánh thiện.

Thế ước mơ của các bạn là gì nào?

7. Bố nghĩ gì về quan niệm con người được sinh ra từ vượn?

Khoa khảo cổ và đặc biệt là thuyết tiến hóa của Charles Darwin đã nói nhiều về một sự phát triển lâu dài (hàng triệu triệu năm) từ động vật cấp thấp lên động vật cấp cao. Và đỉnh cao của quá trình này là sự chuyển biến nhảy vọt từ vượn cổ thành người cổ.

Tôi tin là mọi hữu thể đều phát sinh từ một hữu thể tự hữu là Thiên Chúa nhưng được phát sinh như thế nào mãi mãi vẫn là một ẩn số. Rất có thể Thiên Chúa thông ban sự sống của Ngài cho mọi tạo vật qua con đường tiến hóa như các nhà khoa học đang cố minh chứng. Và khi sự tiến hóa đạt đến mức viên mãn, Thần Linh Thiên Chúa can thiệp vào để tạo một bước nhảy vọt từ vượn cổ thành người cổ.

Thiên Chúa là Tạo Hóa Toàn Tri, Ngài chỉ thực hiện một lần là đủ. Không ai ngây ngô đến độ tự hỏi có vườn thú nào trên thế giới nuôi con vượn để chờ nó thành con người. Cũng không ai thắc mắc nếu con vượn tiến hoá thành con người thì con người tiến hoá thành gì nữa đây!

Tôi còn nhớ một câu chuyện vui:

Đứa con đang ngân nga bài giáo lý: “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài.” (St 1,27). Ông bố là một giáo sư sử học không chấp nhận như vậy, mới lên tiếng:

– Giáo lý gì mà phản khoa học thế, con người do vượn cổ sinh ra.

– Sao được hả bố? Con người cao trọng thế này mà là con cháu của vượn à?

Ông bố quát:

– Không hiểu biết khoa học thì câm mồm đi.

Đứa con vừa trả lời vừa bỏ đi:

– Dạ! Nếu đúng thế thì bố giống vượn hơn con vì bố gần với vượn cổ hơn con.

Ông bố vừa giận vừa thất vọng vì có thằng con dám nói bố nó giống vượn!

8. Phẩm chất nào mà một nhà giáo cần có?

– Tôi nghĩ không chỉ nghề giáo mà bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải có hai phẩm chất này: có tâm và có tầm.

  • Có tâm. Nghĩa là phải có lương tâm, có tình người. Chữ tâm bằng ba chữ tài mà.
  • Có tầm. Nghĩa là phải có tầm nhìn, có năng lực chuyên môn.

9. Nếu mà, nếu thôi nghen, ngay hôm nay bố phải trở về với cát bụi… thì bố có nguyện vọng gì?

Ông giáo bình thản:

– Không hôm nay thì cũng mai mốt thôi. Mà nếu phải hôm nay thì chắc buồn một chút vì nguyện vọng của tôi là được nhìn thấy từng đứa con hoàn tất đại học. Như các bạn biết đấy, con trai út tôi mới bước vào đại học thôi. Vậy nếu hôm nay hoặc một mai tôi mất đi mà con út tôi chưa tốt nghiệp, nguyện vọng của tôi là:

  • Được chôn cất trong huyệt đất hoàn toàn.
  • Những đứa lớn phải đồng tâm hiệp lực nuôi dạy em út. Đến khi em hoàn tất đại học mới được xây mộ cho tôi.

Lúc bấy giờ tôi sẽ mỉm cười tự nhủ: Tôi đã không sống một cách vô ích.

10. Chúng con sắp bước vào mùa thi và sắp phải chia tay bố rồi. Bố nói gì với chúng con đi chứ?

– Hẳn các bạn còn nhớ bài thơ “Thi Hỏng” của Trần Tế Xương (1870-1907). Tôi tâm đắc 2 câu:

“Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay.”

Thi cử là thế. Không phải ai đi thi cũng được cử. Bước chân vào con đường học vấn chẳng khác gì lao đầu vào một cuộc chạy đua Marathon đầy nghiệt ngã. Ai cũng phóng mình về phía trước. Mỗi bước chạy đều có giá trị của nó. Nhưng bước chạy cuối cùng quyết định tất cả. Không thực hiện được bước chạy cuối cùng thì mọi nỗ lực coi như vô nghĩa. Phần tôi, mùa thi sắp tới cũng như những mùa thi đã qua, tôi “vui với người vui, khóc với người khóc.” (Rm 12, 15)

Nhưng, xin các bạn đừng giận tôi, trong số những người thi hỏng, có những người thật đáng thương mà cũng có những người thật đáng trách.

Họ đáng thương vì họ có ý thức trong học tập. Họ biết vì tương lai mà lo hiện tại. Nhưng bởi khả năng có giới hạn hoặc vận may chưa mỉm cười với họ. Họ đành ngậm ngùi!

Còn tại sao có những người thi hỏng đáng trách. Vì họ không chịu hiểu rằng ngày mai đã bắt đầu từ hôm nay. Họ cứ nhởn nhơ, học ít chơi nhiều. Lúc nào cũng nói còn sớm. Đến khi giật mình tỉnh ngộ, họ lại nói muộn rồi. Thế là buông xuôi!

Thôi, chúng ta không thể níu kéo thời gian. Đã đến giờ thầy trò mình phải nói lên lời mà chẳng ai muốn nói, lời ly biệt. Các bạn đừng khóc, tôi đang cố nén lòng đây.

Tôi chân thành cảm ơn các bạn, đã khiêm tốn nhìn nhận tôi là thầy, đã tôn trọng tôi như người bố, đã tin tưởng và tâm tình với tôi như người bạn. Tôi cũng mong nhận được sự tha thứ của các bạn vì đã biết bao lần hoặc do vô tình hoặc do bản chất bất toàn, tôi đã làm phiền lòng các bạn.

Cuối cùng, xin chúc các bạn may mắn vượt qua các kỳ thi và hạnh phúc trong cuộc sống. Chúc các bạn gặt hái được nhiều hoa quả trong sứ mạng làm đẹp quê cha, làm thơm đất mẹ. Chúc các bạn giàu tình Chúa và tình người.

Bình Luận