– Ông ngoại ơi, trong năm ngón của bàn tay ông thích ngón nào?

Không khỏi ngạc nhiên, ông cụ hỏi lại đứa cháu út:

– Tại sao cháu hỏi ông như vậy?

– Dạ. Vì chị cháu và cháu không cùng quan điểm về các ngón tay.

– Cháu nói rõ cho ông nghe nào!

Đứa cháu út hồn nhiên nói:

– Chị cháu thích ngón áp út nhất. Chị bảo ngón áp út và ngón trỏ có hình dáng thanh lịch nhất, không mập và lùn như ngón cái, không cao ngồng như ngón giữa, cũng không bé tẹo như ngón út. Nhưng giữa ngón áp út và ngón trỏ, thì ngón áp út quý phái hơn vì đó là ngón mang nhẫn hẹn ước.

Nghe cháu út nói ông cụ cười khoái chí. Ông hỏi tiếp:

– Còn cháu thích ngón nào?

– Cháu thích ngón út cơ, vì ngón út nhỏ nhắn thon thả. Hơn nữa ngón út mang nhẫn cũng quý phái như ai. Và nếu ví năm ngón tay trên một bàn tay như năm anh em một nhà, thì út ét bao giờ cũng được cưng chiều hơn.

Ông cụ thích thú nói:

– Ý nghĩ của các cháu ngộ nghĩnh và đáng yêu lắm. Thật ra bàn tay năm ngón, ngón nào cũng đẹp cũng quý, ngón nào cũng có vị trí và vai trò không thể thay thế của nó. Cả năm ngón tạo thành sức mạnh và vẻ duyên dáng cho bàn tay. Mất đi bất cứ một ngón nào, bàn tay sẽ giảm đi sức mạnh và tất nhiên kém duyên dáng hơn.

Đứa cháu út nũng nịu với ông ngoại:

– Ý của ông ngoại là năm ngón đều có giá trị như nhau. Nhưng nếu phải chọn, thì ông thích ngón nào nhất?

Ông cụ xoa đầu cháu út âu yếm nói:

– Nếu thế, ông chọn ngón trỏ. Cháu biết tại sao không?

– Ông ngoại nói đi!

– Này nhé, người ta gọi là ngón trỏ vì đó là ngón tay dùng để chỉ (“trỏ” là một động từ có nghĩa là “chỉ vẽ”, “đưa ra”). Không ai dùng ngón nào khác để chỉ. Điều thú vị là: khi chỉ cái này vật kia hoặc chỉ giáo răn đe ai, chúng ta đưa ngón tay trỏ hướng thẳng về đối tượng muốn nói đến. Còn ba ngón: giữa, áp út và út đều xếp theo chiều ngược lại, nghĩa là chỉ thẳng về chính mình. Và ngón cái đè nhẹ lên ba ngón đó.

Nghe ông cụ nói đến đây, đứa cháu út hí hửng đưa ngón trỏ chỉ chỉ về phía trước:

– Ồ đúng rồi! Một ngón chỉ người ta, ba ngón chỉ ngược về mình. Ha ha vui quá! Ông ngoại nói nữa đi!

Ông cụ gật gù:

– Ngón tay trỏ nhắc nhở chúng ta hai điều:

– Một là phải nỗ lực trao dồi kiến thức vững vàng, rèn luyện nhân cách trưởng thành trước khi chỉ vẽ người khác. Muốn dạy một phải biết đến ba.

– Hai là biết khiêm tốn. Đừng vội chỉ trích, lên án ai. Biết đâu người lỗi một, mình lỗi đến ba. Người xưa rất có lý khi nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” (Trách mình trước, trách người sau.) Đức Kitô đã dạy các môn đồ: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán… Sao anh em thấy cái rác trong con mắt của người khác, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7, 1-3)

Một lần nữa đứa cháu út đưa ngón tay trỏ ra, nhưng lần này con bé không để ý đến ngón trỏ mà lại quan tâm đến ba ngón quay về phía mình. Hình như con bé đang nghĩ ngợi gì…

Bình Luận