Lại một lần nữa cô Hân can đảm đẩy cánh cổng bước vào nhà bố nuôi. Con chó Kaly nhận biết người quen chạy ra ve vẩy mừng còn ông bố xem chừng miễn cưỡng tiếp chuyện.

Cô Hân ngập ngừng mở lời:

– Bố… bố cho con thêm ít tiền đi. Bố biết mà, chồng con đang thất nghiệp, con thì mắc con nhỏ… Không phải chúng con ỷ lại vào bố đâu.

Ông bố buồn bã lắc đầu:

– Những gì có thể làm cho con, bố đã làm rồi.

Cô gái cố nài nỉ:

– Bao năm qua bố đã cưu mang con, bây giờ bố bỏ con đành sao? Thôi thì đây là lần cuối con xin bố. Con thề đó! Nếu bố không cho, con xin vay vậy.

Ông bố hơi xẵng giọng:

– Bố nghe lời này quen rồi. Đừng thề thốt vô ích. Muốn vay sao không ra cửa hiệu mà vay. Gần nhà con có cửa hiệu buôn bán đủ thứ đấy.

Nói rồi bố già quay lưng đi, bỏ mặc cô gái ngồi một mình giọt ngắn giọt dài. Mãi hồi lâu, cô thất vọng ra về. Con chó Kaly vẫn hồn nhiên tiễn chân khách đến tận cổng. Không dằn lòng được, cô gái nhìn con chó chửi đổng:

– Chỉ còn có mày tử tế với tao thôi. Tao thề không thèm vác cái mặt đến nhà này nữa, trừ khi tao giàu có.

Mấy ngày liền sau đó, cô Hân chạy vạy tứ phương mà chả một ai chạnh lòng thương. Cùng đường, cô đành phải hỏi vay nơi cửa hiệu gần nhà, chấp nhận luật sòng phẳng.

Từ khi nhận đồng vốn vay, vì sợ lãi mẹ đẻ lãi con và cũng vì lòng căm giận bố nuôi, vợ chồng cô Hân cắm cúi làm lụng, bất chấp nắng mưa dãi dầu. Nhờ vậy chẳng bao lâu họ có được của ăn của để.

Chừng hai năm sau, ông bố lâm trọng bệnh và vĩnh biệt cõi đời. Đông đủ con cháu, rất nhiều bằng hữu thân thuộc, kể cả những người chỉ đôi lần quen biết ông cũng bồi hồi đốt nén hương và tiễn đưa ông trở về với cát bụi. Vậy mà ngày tang tóc ấy, vắng bóng cô Hân. Càng đau xót hơn khi linh cữu chầm chậm ngang qua nhà cô trước khi rẽ vào nghĩa địa, ông chỉ nhận được cái nhìn dửng dưng đến mức lạnh lùng của một người đã một thời là con cái.

Không lâu sau cái chết của ông bố, cô Hân phấn khởi mang cả vốn lẫn lãi đến thanh toán cho cửa hiệu, cô chu đáo cám ơn người chủ bằng những lời hay ý đẹp. Với giọng trầm buồn pha chút chua chát, người chủ nói:

– Cô cám ơn nhầm người rồi. Chính ông bố nuôi tội nghiệp của cô mới là người đáng nhận lòng biết ơn này. Nếu ông ấy đã không bảo lãnh cho cô thì tôi dại gì cho cô vay.

Cô ta mở tròn xoe đôi mắt kinh ngạc, môi mấp máy muốn nói gì đó nhưng chủ cửa hiệu chưa chịu nhường lời:

– Cô nghe cho rõ nhé. Có một chiều nào đó trước khi ông ấy ngã bệnh, ông đã đến chi trả mọi nợ nần cho cô rồi.

Từng lời nói của chủ cửa hiệu như những nhát gươm xé toạc tâm can, cô bưng mặt òa khóc như mưa vào hạ. Cô chạy về nhưng không vào nhà, cô đến thẳng nghĩa trang cuối xóm, nơi ấy có một người bố bị lãng quên đang chờ cô.

Bình Luận