Hôm nay Sinh Nhật lần thứ 60, ông bố được cả nhà mừng trọng thể hơn mọi năm. Sáu mươi năm cuộc đời mà!
Nhìn các ngọn nến sáng lung linh trên chiếc bánh to tròn, ông bố vui miệng hỏi:
– Các con có hiểu ý nghĩa của chiếc bánh sinh nhật và mấy cây nến không?
Tất cả chỉ chúm chím cười. Ông bố giải thích:
– Chiếc bánh sinh nhật hình tròn tiêu biểu cho trái đất. Cây nến thắp sáng trên chiếc bánh là hình ảnh con người đang sống. Mà này, các con hãy ngắm nhìn ngọn nến cháy đi, thú vị và đáng suy nghĩ lắm. Cây nến muốn tỏa ra ánh sáng thì chính nó phải có tim nến và phải chịu tiêu hao bản thân. Như chúng ta đây, nào ai có thể cho người khác cái mà ta không có. Và cho đi đồng nghĩa với hy sinh, lắm lúc phải quên chính mình.
Ông bố nâng tách trà uống vài ngụm, rồi bằng giọng trầm trầm ông tiếp lời:
– Sau khi đốt cháy nến ta lại thổi tắt nó đi. Nhìn làn khói trắng nhẹ nhàng tan biến, ta liên tưởng đến thân phận vô thường của con người. Trước khi hiện diện trên trái đất này, ta chỉ là hư vô, rồi một mai cũng trở về với hư vô. Biết đâu đây là sinh nhật lần cuối cùng của đời ta.
Nói rồi, ông thổi tắt các ngọn nến. Cả nhà vỗ tay ngân nga: “Happy birthday to you…”
Ông bố phấn khởi ôm người bạn đời và từng đứa con. Ông bắt đầu cắt bánh, cả nhà cùng ăn trong bầu không khí thật ấm cúng.
Một đứa gái lên tiếng hỏi:
– Sao lại thắp nhiều cây nến vậy bố?
Ông bố trầm ngâm giây lát:
– Chuyện xưa kể rằng thuở tạo dựng con người, Tạo Hóa trao cho mỗi người một cây nến thần, gắn liền với số phận. Mọi cây nến đều có kích cỡ như nhau và trên thân nến có khắc nhiều khoảng cách để chỉ thời gian sống thọ. Có điều là tim nến dài ngắn thế nào không ai biết, ngoại trừ chính Tạo Hóa. Tim nến có thể dài thật dài, cũng có thể ngắn đến bất ngờ.
Đứa gái như hiểu ý bố, thích thú góp lời:
– Hay quá, câu chuyện này muốn nói rằng Tạo Hóa làm chủ sinh mạng con người.
Ông bố hài lòng:
– Ừ, con gái giỏi lắm! Và có lẽ từ câu chuyện hoang đường này mà ngày nay người ta dùng nhiều cây nến nhỏ để tiêu biểu cho tuổi thọ.
Bà mẹ đề nghị:
– Đây là dịp đủ mặt con cái, bố nó nên nhắn nhủ thêm nữa đi!
Chiều lòng người bạn đời, ông bố nghiêm túc cạn tỏ nỗi lòng:
– Nhìn lại quãng đời sáu mươi năm, bố đã nếm trải đủ cả: chua cay ngọt bùi, thành bại khen chê, đói góp no dồn… Nhưng khiêm tốn mà nói bố vẫn có quyền ngẩng cao đầu, vì ít ra bố đã biết:
- Yêu thương, tôn trọng và phục vụ mọi thành viên trong gia đình.
- Giáo dục con cái không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính cuộc sống.
- Chia sẻ với đồng loại.
Cũng như bố đã không:
- Rượu chè, cờ bạc, hút chích, la cà hàng quán.
- Điêu ngoa gian dối.
- Nói năng thô lỗ, chửi thề.
- Xưng hô mày tao mi tớ với người bạn đời và con cái.
Cậu con trưởng nói chen vào:
– Bố có biết chúng con ngưỡng mộ bố nhất là khi nào không?
Ông bố trố mắt:
– Có vậy nữa sao?
– Dạ, chính là những khi bố nhận ra mình đã xử sự sai với bất cứ ai, bố luôn can đảm nói lên lời xin lỗi, dù người đó là con cái đi nữa. Bố cũng là người đi bước trước trong việc thể hiện lòng bao dung và tha thứ.
Xem chừng ông bố sợ cơ hội không còn nữa, ông chăm chú nhìn các con, run run giọng:
– Bố cám ơn các con. Nếu các con đã nhờ bố mà sống tốt, thì bố cũng nhờ các con mà sống tốt hơn. Bố dám nói rằng bố đã nhìn thấy hoa hồng nở trên gai. Giá mà Thiên Chúa cho bố được quyền lựa chọn lại cuộc sống, bố vẫn xin chọn con đường bố đã đi qua.