
Bà Hai, bà góa nghèo trong làng, đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên về bà. Chồng bà chết đã lâu, không để lại ruộng đất hay của cải gì ngoài ba đứa con nhỏ và căn nhà cấp bốn. Thế mà bà đã tảo tần chắt chiu nuôi cả ba con tiếp tục đến trường. Bà còn thường xuyên chia cơm sẻ áo với những người kém may mắn hơn. Thậm chí bà đã dám liều tài trợ học phí cho một vài trẻ mồ côi hiếu học.
Bà Hai làm được cái điều mà khối người giàu sang không làm được là vì bà luôn tâm niệm: “Cho đi là còn mãi.”
Nhưng sống cảnh thiếu trước hụt sau như bà thì lấy gì mà cho chứ?
Bà nhận định rằng:
– Việc chia sẻ phát xuất từ tấm lòng chứ không phát xuất từ túi tiền. Đã có tấm lòng sẵn sàng chia sẻ thì tất sẽ có cái để chia sẻ. Một vĩ nhân đã nói: “Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho.” (Gioan Phaolô II)
Bà còn nói thêm:
– Nếu chúng ta chờ đến ngày có dư thừa rồi bắt đầu chia sẻ, thử hỏi bao giờ mới đến ngày đó. Lòng tham vô đáy mà. Và giả dụ có ngày đó thì việc cho đi sẽ mất hết ý nghĩa cao đẹp vì chúng ta chỉ cho những gì thừa mứa.
Riêng trường hợp của bà, bà không cho cái dư thừa. Bà chưa có đủ lấy đâu mà thừa. Bà cũng không cho tất cả những gì bà có, vì không chu toàn trách nhiệm với con cái mình mà lo toan cho kẻ khác là vô lý và vô duyên.
Bà tự nguyện chia sẻ một phần số tiền kiếm được trong ngày. Nhờ vậy ngày nào bà cũng có chút gì cho đi mà vẫn có chút gì còn lại.
Mãi rồi bà cảm nghiệm được một điều tuyệt vời: “Trời Cao không bao giờ để những người dám hy sinh cho kẻ khác phải chịu thiệt thòi. Không bao giờ!”