
Cuối cùng anh cũng được đặt chân đến nước Mỹ. Không biết may mắn thế nào, mà anh được một gia đình Việt kiều Mỹ nhận bảo trợ từ khi anh bắt đầu con đường tu học. Hơn 10 năm qua, năm nào anh cũng nhận được một số tiền kha khá, chẳng những đủ trang trải đèn sách mà còn sắm được vi tính để bàn, vi tính xách tay, máy chụp ảnh, máy quay phim, xe gắn máy. Bây giờ anh đã tốt nghiệp và là một Linh Mục tràn đầy nhiệt huyết.
Anh ao ước được một lần đến Mỹ không phải chỉ để tham quan mà còn để thực thi một đạo lý cơ bản: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Anh phải gặp bằng được vị ân nhân. Anh muốn trực tiếp nói lên lời tri ân. Anh cũng định nhân cơ hội này, sẽ xin thêm chút chút gì cho kế hoạch tương lai.
Phải khó khăn lắm anh mới đến đúng địa chỉ của gia đình bảo trợ, và cũng phải mất nhiều phút để người thi ân và người thụ ân nhận ra nhau. Ai cũng vui mừng khôn tả.
Sau một tuần lưu lại nhà, anh mới hiểu rõ ân nhân của mình là ai. Ông bố sau 13 năm tù cải tạo tại quê nhà, ông được bảo lãnh định cư ở Mỹ cùng với vợ và một đứa con gái. Ông bà đã chạy vạy để tồn tại và cũng để hòa nhập với xã hội lạ lẫm này. Cô con gái nay đã theo chồng. Còn ông bà đang hưởng lương hưu và dù ở tuổi gần đất xa trời mà ông bà vẫn sống cảnh nhà thuê đất mướn. Ông bà khao khát đóng góp được cái gì đó, dù rất nhỏ nhoi, cho sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Để làm được điều đó, ông bà chấp nhận thắt lưng buộc bụng và mua dùng những phương tiện tối thiểu như máy tính, máy sưởi, xe hơi… toàn loại second hand (mua lại).
Rõ ràng là họ không cho anh của dư thừa, mà họ hi sinh chính cái họ đang cần. Thậm chí cuộc sống của họ chẳng sung túc gì hơn cuộc sống của anh.
Càng cảm phục họ anh càng thẹn với lòng mình. Lâu nay anh cứ ngỡ họ giàu sang lắm. Việt Kiều mà! Và không ít lần anh đã sử dụng đồng tiền tài trợ này không đúng với mục đích của nó.
Anh từ biệt gia đình ân nhân mà nào dám nghĩ đến chuyện xin thêm gì nữa. Anh cảm nghiệm được rằng mình đang có nhiều thứ hơn mức cần thiết.