
Vừa học về, gái An xuống ngay nhà bếp ôm mẹ nụng nịu:
– Mẹ ơi, hôm nay con có thêm điểm 10 tặng mẹ.
Bà mẹ sung sướng:
– Mẹ vui lắm. Điểm 10 môn Toán nữa hả?
– Dạ không, môn Văn đấy mẹ.
– Môn Văn mà đạt điểm 10. Tuyệt quá! Con kể cho mẹ nghe nào!
– Dạ, lớp con vừa làm bài văn bày tỏ cảm nghĩ về câu ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Bà mẹ nôn nóng:
– Thế con viết những gì?
Em tự hào đọc lại bài văn: “Có lẽ CHỮ HIẾU là một đề tài muôn thuở. Ngày nào con người còn tồn tại trên hành tinh này, ngày đó CHỮ HIẾU còn được trân trọng nhắc đến, như chúng ta vẫn thường bắt gặp trong truyện cổ tích, trong thơ ca v.v…
Bây giờ ta thử phân tích:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Ta thấy CHỮ HIẾU trong câu ca dao này vừa mang tính kinh điển vừa mang tính thời đại.
Mang tính kinh điển, vì chẳng ai mà không biết câu ca dao này nhằm khẳng định và nhắc nhở mọi người về tình cha cao vời vợi, lòng mẹ ôm cả đất trời. Chính câu tiếp theo đã dạy ta phải làm gì để đền đáp tình sâu nghĩa nặng:
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Và mang tính thời đại vì nó mãi mãi gợi lên sự huyền nhiệm của lòng mẹ. “Công cha như núi Thái Sơn”, Thái Sơn là tên ngọn núi lớn thuộc tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc. Nhưng dù hùng vĩ đến đâu, núi Thái Sơn vẫn in dấu chân con người. Ngay cả ngọn Everest (cao 8.848m, thuộc dãy Himalaya ở biên giới Nê-pan và Tây Tạng), được mệnh danh là nóc nhà thế giới, cũng bị con người chinh phục. Nói theo thuật ngữ bây giờ thì bất cứ độ cao nào, bất cứ khối lượng nào cũng có thể cân đo đong đếm.
Thế còn “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thì sao? Đâu là nguồn mạch nhỉ? Xưa nay nào ai dò thấu được nguồn của dòng nước. Phải chăng nguồn nước âm ỉ tít mù dưới lòng đất, hoặc lặng thầm giữa chốn rừng xanh bạt ngàn, hay là tuôn trào từ mây trời cao thẳm?
Vậy mà tự đâu dòng nước cứ chảy ra không ngừng nghỉ, vẫn ngọt ngào như bầu sữa mẹ, vẫn dịu dàng như tiếng hát ru con… Lòng mẹ như thế đó, chỉ có bắt đầu mà không có kết thúc…”
Đọc đến đây, gái An đột nhiên dừng lại, hình như bé nhớ ra điều gì:
– Mẹ ơi, bố đâu mẹ?
Bà mẹ chưa kịp trả lời, ông bố đã bước đến bên cạnh. Con bé ấp úng:
– Ấy chết, con quên chào bố, bố…
Ông bố xoa đầu con bé:
– Bố đã nghe rõ những gì con vừa kể với mẹ. Bố tự hào vì con gái bé bỏng cảm nghiệm được sự huyền nhiệm của lòng mẹ. Con biết đấy, tội lớn nhất của con người là tội bất hiếu. Bất hiếu với cha may ra còn châm chước được nhưng bất hiếu với mẹ sẽ phải muôn đời trầm luân.