Cuộc chiến sắp đến hồi kết thúc. Bên thắng cuộc thần tốc tràn quân chiếm giữ. Bên thua cuộc tháo chạy như những đàn ong vỡ tổ. Trong hàng triệu người di tản đó, có một người lính mang quân hàm cấp tá cùng với đứa con gái trạc tuổi trăng tròn. Họ lao về muôn hướng, người thì tìm đến bến cảng, người lại xuôi lên phố, có người ngược về quê cũng có người không biết mình đang đi về đâu. Họ dùng bất cứ phương tiện nào có thể: xe GMC, xe Jeep, xe máy cày, xe ba bánh, xe hai bánh, chạy bộ…
Đây đó tiếng đạn bom vẫn chát chúa, thương vong vẫn nối tiếp nhau. Người lính lại vừa chứng kiến thêm một cảnh tàn nhẫn của chiến tranh: một trái đạn rơi ngay chiếc xe Jeep, mấy người trong xe đều tan xác trừ một cô bé bị văng ra xa. Người lính thầm nghĩ: “Trong bao nhiêu năm chinh chiến, chắc mình cũng đã gây tang tóc cho nhiều người, sao mình không một lần cứu người nhỉ.” Và ông đã quyết định cưu mang cô bé đó, một quyết định có thể gọi là điên khùng trong thời điểm thập tử nhất sinh như thế.
Ba bố con tiếp tục tìm đường sống trong cái chết. Rất may, mấy người lính dưới cấp của anh bắt được liên lạc với anh. Trong chớp nhoáng, một chiếc trực thăng đáp xuống. Họ lôi hai bố con anh lên, chỉ hai mà thôi vì máy bay đã quá tải. Thời gian phải tính bằng giây. Người lính quyết định ở lại, nhường chút vận may cho hai con thơ dại và chấp nhận vận rủi đang chờ đón mình. Rồi máy bay cất cánh. Bụi bay mịt mù, mịt mù như chính tương lai của ba bố con.
Từ đó, anh không nghe biết gì về số phận của hai đứa con. Anh đã phải trải qua nhiều năm trong trại cải tạo. Sau khi mãn hạn tù, anh muốn xin đi định cư ở Hoa Kỳ với chút hy vọng tìm được thông tin về hai đứa con. Nhưng sức khỏe đã không chiều ý anh, anh đành phải lui về sống đơn độc nơi quê nhà. Rồi một chiều anh lặng lẽ gửi nắm xương tàn cho lòng đất mẹ. Những người láng giềng thương tình đắp vội cho anh một nấm mộ.
Hai mươi năm sau, hai thiếu phụ mang quốc tịch Mỹ gốc Việt về quê hương tìm kiếm bố mình – người lính của chiến trường xưa. Hai chị em chết lặng trước ngôi mộ đầy cỏ khô của ông bố. Họ không còn nước mắt để khóc nữa, họ đã khóc thương bố hai mươi năm rồi.
Cô con ruột của người lính cạn lời: “Cuối cùng, hai chị em con cũng về với bố. Bố hãy mỉm cười đi, sự hy sinh của bố không uổng phí đâu. Cô gái mà bố đã cưu mang trên đường chạy loạn lớn hơn con ba tuổi. Chị như thể vừa là người chị vừa là người mẹ, chị là nơi con nương tựa trong suốt bao nhiêu năm ở đất khách quê người. Cũng chính chị ấy, nhiều năm trước đã cứu sống con khi nhường cho con một quả thận. Hai chị em con đều có gia đình và có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Một mai chúng con sẽ đưa các cháu về thăm ông ngoại. Chúng con mãi mãi tự hào là con của bố.