Trong một đêm say ngủ, tôi có giấc chiêm bao thật đáng ghét.

Tôi đang tham dự một tiệc cưới rất hoành tráng. Khách mời đủ mọi thành phần: người tu, người đời, bậc mô phạm và cả phàm phu tục tử như tôi. Tôi ngồi phải bàn có nhiều thầy tu, ngại quá đi thôi. Để chia vui với cô dâu chú rể, mọi người nói cười náo nhiệt, nâng ly reo hò “Dô” kể cả mấy thầy tu cũng “Dô” như ai. Tôi chả thích bậc tu hành mà “Dô, Dô” như vậy, nhưng cố an ủi rằng các ngài lấy tình nghĩa là chính, chứ ăn uống nào có màng.

Nhưng có một điều tôi không thể chịu nổi, dù đã gồng mình, đó là một vài thầy tu nói năng nhố nhăng quá. Họ khoái dùng vọng ngữ, những lời có vẻ thanh tao mà hàm nghĩa tục tĩu, những từ nói lái sống sượng, còn những người khác tha hồ mà cười, rồi lại nâng ly “Dô”.

Tôi nào dám sửa lưng các đấng, tôi chỉ muốn làm sao cho các ngài hiểu những người trần tục như tôi đang nghĩ gì. Tôi định lên tiếng ngay nhưng kịp nhớ lời Đức Kitô đã dạy: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi người ấy, một mình anh với người ấy mà thôi…” (Mt 18,15). Chờ tan tiệc tôi đánh liều gặp riêng một vị trong các thầy tu ngồi đồng bàn. Tôi nhẹ nhàng góp ý:

– Thưa thầy, những câu nói tếu ấy e rằng không hợp lắm với người tu hành.

Ông ta nổi sân si lên:

– Tôi nói vui thôi, tôi không có ẩn ý gì cả, tại anh đầu óc đen tối, vẽ vời lung tung.

Tôi nén giận vì ông ta chỉ đáng tuổi em tôi thôi:

– Tôi thiết nghĩ bậc tu hành mà nói năng nhơ nhớp như vậy, vô tình để lộ một đời sống nội tâm ấu trĩ, một tình trạng tâm sinh lý bị dồn nén, muốn bù trừ và một nhân cách chưa trưởng thành. Tục ngữ có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Lòng không thơm tho không thể tỏa ra hương vị được. Đức Kitô cũng đã khẳng định: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình, kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình.” (Mt 12,34-35)

Ông ta vẫn chống chế:

– Tâm hồn tôi hoàn toàn trong sáng. Tôi chỉ muốn góp tiếng cười với đời.

Tôi tiếp lời:

– Góp tiếng cười với đời hay làm cho đời cười chê! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy rằng: “Mặc áo Cà-sa mà không rời bỏ cấu uế (chỉ tham dục…), không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.” (Pháp cú – Dhammapada, Thích Thiện Siêu dịch. Pc 9.) Và cho là lòng thầy thật sự trong sáng đi thì ít ra thầy cũng đã làm cớ cho người ta vấp ngã, làm gương xấu cho đồng loại, mà “kẻ làm gương xấu thì đáng buộc cối đá vào cổ và xô xuống biển.” (Lc 17,1-3)

Tôi ú ớ gì đó nữa rồi tỉnh giấc. Sau khi hoàn hồn tôi vừa mừng lại vừa sợ. Mừng vì đó chỉ là một giấc mơ, và sợ vì nhỡ may giấc mơ đó thành hiện thực!

Bình Luận