Chiều nay, một buổi chiều cuối thu trời se se lạnh, ông Giáo nghe đứa gái út thỏ thẻ chuyện riêng tư mà lòng man mác buồn. Ông hết mực chăm chút đứa út vì nó được sinh ra muộn màng trong tuổi xế chiều của ông.

Ông sợ lắm, sợ cái ngày gái út không còn nhỏ nữa, sợ cái ngày nó phải lòng ai đó, sợ cái ngày nó vội vàng bỏ cuộc chơi đi lấy chồng. Và ông linh cảm cái ngày đó đang đến rất gần, 18 tuổi rồi còn gì!

Giấu đi giọt lệ, ông Giáo kể chuyện đời thường cho gái út nghe:

Một bác nông dân kia tuy nghèo mà tốt bụng lắm. Bác cứ chủ trương “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” nên con cháu đề huề. Dầu vậy bác vẫn cưng đứa gái út nhất. Bác tự tay trồng một cây mận trong sân vườn, gọi tên là cây út mận, vì bác muốn dành riêng cho gái út. Cây lớn như thổi rồi đơm bông kết trái. Khi trái vừa độ đương thì, cô gái út vòi vĩnh hái trái. Tuy rất thương chiều gái út nhưng bác cương quyết ngăn cản. Bác dẫn dụ rằng trái mận ở độ lớn bằng ấy ăn cũng được thôi, nhưng tội gì ăn trái xanh vừa chua vừa chát, vừa ghê răng. Sao không chờ trái đến độ ửng hồng để thưởng thức trọn vẹn hương vị của cuộc sống.

Bác nông dân đã cạn bày như thế mà cô con gái nào có hiểu cho, thậm chí còn dám hờn trách bác, không thông cảm với tuổi thèm chua. Bác đau xé tim và giằn vặt liệu mình có ác với con không…?

Kể đến đây, gái út của ông Giáo òa khóc. Cô bé bá vai ông nghẹn lời: “Bố ơi, con nhất định chờ đến khi trái chín mùi. Bố tin con đi!”

cay-ut-man

Bình Luận