Đây rồi, cây Sala Song Thọ đứng bình dị trước sân Chùa Dược Sư tĩnh mịch. Sala có nguồn gốc từ Ấn Độ, thân cây vươn cao rợp mát, có hoa quý phái như hoa lan lại vừa có trái khiêm tốn như sọ dừa khô.

Ông bố mãn nguyện được lần đầu tiên trong đời nhìn tận mắt loài cây quý này, và cũng là lần đầu ông viếng cảnh Chùa thăm con gái Nicô, một trong những đứa con tinh thần của ông.

Ngày nay ít có người không chịu kế hoạch hóa gia đình như ông, ông có 3 cậu con đẻ và 35 đứa con tinh thần, đủ trai đủ gái. 35 đứa con, 35 hoàn cảnh, 35 số phận. Cả đến niềm tin cũng khác. Duy chỉ có một điểm chung giữa bố và các con, đó là tình yêu.

Nhiều người hỏi ông có ý định hướng dẫn đàn con trở thành Kitô hữu không, ông đã nhắc đến trường hợp của Mẹ Têrêsa thay cho câu trả lời:

– Ở Ấn Độ, một số quan chức hỏi Mẹ rằng: “Không phải Mẹ muốn biến tất cả chúng tôi thành người Thiên Chúa Giáo đấy chứ?” Mẹ trả lời: “Đương nhiên là tôi muốn ban tặng kho báu mà tôi có cho mọi người nhưng tôi không thể. Tôi chỉ có thể cầu nguyện cho mọi người mà thôi.” (No Greater Love – Mother Teresa)

Đúng thế, ông chỉ biết cầu Chúa cho từng đứa con và tôn trọng sâu sắc niềm tin của chúng.

Bố con gặp nhau tâm sự tưởng chừng không bao giờ dứt. Nhờ đó ông hiểu và mến phục con gái Nicô hơn. Nếu không vì một niềm tin mãnh liệt thì một thiếu nữ không dễ gì từ chối cuộc sống đầy sắc màu, để xuống tóc mặc lấy áo nâu sồng, ẩn mình nơi Cửa Phật. Hơn thế nữa các Chư Ni phải tuân theo giáo trình tu học rất nghiêm ngặt của Ni Viện. (Các Chư Ni bắt đầu một ngày bằng giờ Tụng Kinh lúc 3g15 đến 5g sáng!)

Con gái Nicô đưa ông lên lầu trên viếng Chánh Điện (nơi Chư Ni tụng Kinh). Ông nghiêm túc chấp hành quy định cởi bỏ giày dép trước khi bước vào Chánh Điện. Ông chợt nghĩ giá mà các Thánh Đường Kitô Giáo có quy định này thì hay biết mấy. Ngày xa xưa, chính Đức Chúa từ giữa bụi gai cháy bừng cảnh báo Ông Mô-Sê: “Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” (Xh 3, 5)

Bên trong Chánh Điện, chỉ có đài thờ Phật được đặt trên bệ cao, không gian còn lại để trống hoàn toàn, không một băng ghế. Các Chư Ni và Phật tử khi tụng kinh đều ngồi thành hàng, xếp chân theo kiểu kiết già (gần như ngồi thiền). Ông mừng thầm, vì nếu phải ngồi như thế mỗi lần đi nhà thờ chắc chắn ông chào thua.

Bịn rịn cho lắm rồi cũng phải đến lúc nói lời tạm biệt. Trước giờ chia xa, ông bố còn muốn nán lại ngắm nhìn cây Sala lần nữa. Biết ông muốn có giống cây này, con gái Nicô tặng cho ông một cây con khá cứng cáp.

Giã từ Sài Gòn trở về với quê hương cát trắng, ông bố vừa nâng niu cây Sala bé bỏng trên tay, vừa ôm ấp một tình yêu nặng trĩu trong lòng. Ông vẫn không ngừng khấn gởi đàn con cho Đức Kitô. Ông luôn tin tưởng rằng không sớm thì muộn, không đời này thì đời sau, tất cả con cái của ông sẽ gặp Ngài. Vì con đường nào cũng quy về Ngài. Có thể đó là đường thẳng, đường cong, đường vòng, hay đường xoắn ốc…

Hy vọng một mai, cây Sala trước nhà ông bố sẽ đơm hoa kết trái và sống dài lâu như chính tên gọi: Sala Song Thọ. Và nó cũng sẽ là một dấu chỉ tuyệt vời của tình phụ tử thiêng liêng.

Bình Luận