
Ông Tám vừa tròn 70 tuổi mà trông già khô như ngoài 80. Mấy hôm nay, ông lại một mình đối mặt với nỗi cô đơn và buồn tủi tột cùng.
Vợ ông đã mất khi ông còn rất trẻ để lại ba đứa con – hai trai một gái. Sống cảnh gà trống nuôi con, ông Tám vừa là người cha cần mẫn vừa là người mẹ hiền thục. Nhờ đó, các con ông nay đã nên danh phận và yên bề gia thất. Tất cả những gì mà suốt một đời cơ cực ông dành dụm được, ông đều chia hết cho con cái. Ông chỉ còn giữ lại cái quyền được làm chủ căn nhà từ đường, vì đó là di sản duy nhất được truyền lại từ bao đời. Ông cũng muốn căn nhà này phải tiếp tục được thừa kế qua nhiều thế hệ con cháu.
Ước mơ rất nhỏ nhoi và cũng rất đời thường thế thôi mà xem chừng xa vời quá đối với ông. Mấy đứa con ông tranh chấp nhau quyết liệt. Chúng đòi buộc ông bán hẳn từ đường đi rồi chia đều cho chúng. Ông không nghe theo chúng, thế là chúng nặng lời với ông, chúng chẳng màng chăm sóc, thăm viếng ông nữa. Thậm chí chúng còn dám rủa độc cho ông mau chết.
Đôi lần buộc lòng ông phải nhờ đến chúng thì chúng nạnh nhau, hẹn lần hẹn lữa, đứa nào cũng sợ mất công, mất tiền. Chắc hẳn không ai bằng ông thấm thía lời ru:
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày.
Buồn tủi nhất là những ngày cuối đời của ông. Ông kiệt sức và phải nằm liệt giường. Con cháu đoái hoài đến ông một cách cực chẳng đã. Chúng không đưa ông đi bệnh viện cũng chẳng mời bác sĩ đến chữa trị, chúng viện cớ bác sĩ chữa được bệnh chứ đâu chữa được mệnh. Chúng chỉ cho ông ăn uống ở mức tối thiểu để giảm tối đa khâu vệ sinh. Đã vậy, mỗi khi phải rửa lau cho ông thì chúng bịt mũi, bĩu môi, lắc đầu.
Có lần, một người hàng xóm tốt bụng mang vài lon nước yến đến thăm ông, ông thều thào:
– Làm ơn cho tôi uống chút gì đi.
– Dạ, đây là loại nước yến không đường, ông dùng được chứ?
– Nước gì cũng được. Tôi đang chết khô mà.
Người hàng xóm từng chút giúp ông uống hết lon nước yến. Ông lại nài nỉ:
– Chốc nữa cho tôi uống thêm nghen.
Khi người hàng xóm ra về, cậu con trai trưởng của ông Tám thay vì cảm ơn thì lại buông lời chửi đổng:
– Sao không ở nán lại để… dọn vệ sinh luôn!
Rồi một đêm trời trở gió, ngọn đèn leo lét đã cạn dầu. Ông cô độc trở về với nguồn cội. Vốn không muốn làm phiền con cháu lúc sinh thời, ông cũng chẳng muốn làm phiền chúng nhiều sau khi chết. Ông có nguyện vọng được hỏa thiêu và gởi nắm tro tàn trong ngôi chùa nhỏ cuối làng.
Sau khi ông mất, mọi sự lại diễn ra đẹp như mơ. Con cháu tề tựu đông đủ, đầu trắng toát khăn tang. Chúng khóc than kể lể thảm thiết. Chúng khấn Trời vái Phật. Hương trầm nghi ngút bay. Tiếng kinh, tiếng mõ khi trầm khi bổng, vang vọng suốt mấy ngày liền. Ban nhạc không ngớt réo rắt cung buồn nghe càng thêm não lòng. Bà con xa gần đến kính viếng ông đều được chúng đáp lễ thật chu đáo. Cơm chay, cơm mặn bày dọn la liệt.
Khéo chừng không ít người khen tặng chúng là những đứa con hiếu thảo!