Ở vùng quê này, người ta quen gọi bà Hai là bà Hai Rau Muống. Có lẽ vì bà thường ngày bán rau muống ở chợ, mà cũng có thể vì tính chân chất và quê mùa của bà. Tội nghiệp thân bà, đã một lần chồng bỏ rồi cứ ở vậy tảo tần nuôi con. Cũng may đứa con gái duy nhất của bà vừa đẹp người vừa đẹp nết.

Hơn bốn năm trước, bà làm sui với một gia đình giàu có ở cùng làng. Tưởng đâu cuộc đời bà từ đấy bớt tủi thân hơn, ít ra được nhìn thấy con gái ấm êm hạnh phúc. Nào ai học được chữ ngờ! Từ ngày gả con, bên nhà sui khinh thường bà ra mặt. Họ mỉa mai rằng bà phải làm sao đó…thì chồng mới bỏ. Phần bà chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Ôi, nghèo lắm khi cũng là cái tội!

Cả tháng nay, không ai gặp bà Hai Rau Muống ở chợ nữa. Bà đang nuôi con gái tại bệnh viện tỉnh. Đứa con gái đáng thương làm sao! Mang tiếng làm dâu nhà giàu mà có sung sướng gì đâu, thậm chí ăn không dám ăn, ngủ không dám ngủ. Còn khổ tâm hơn nữa là mỗi lần về thăm mẹ đều bị nhà chồng hạch hỏi đủ điều, như thể cô mang tiền của về nuôi mẹ.

Lúc này, cô gái đang nằm liệt vì bệnh thận đã đến hồi nguy kịch. Mấy ngày đầu, bên nhà chồng thường xuyên thăm nuôi, nhưng khi họ biết bệnh trạng của cô như ngọn đèn sắp khô dầu thì họ lơ là dần. Mọi sự cô gái chỉ còn biết trông chờ vào mẹ mình.

Bà Hai nào nề hà gian khổ. Bà chăm sóc, ẵm bồng con gái bằng tất cả trái tim của người mẹ. Ngoài ra bà còn tranh thủ làm những việc mà chẳng mấy ai muốn làm, như đổ bô hoặc giặt đồ cho các bệnh nhân khác để kiếm ít đồng tiền bố thí. Nhờ vậy mà bà Hai mua thêm được tách sữa, chén cháo cho con.

Mới gần đây thôi, bác sĩ điều trị đã thông báo với bà:

– Chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi, giờ đành bó tay.

Bà Hai òa lên khóc và van xin thống thiết. Nhưng bác sĩ chỉ lắc đầu:

– Thận trái của cô gái hư hoàn toàn, còn thận phải cũng chẳng hơn gì.

– Có cách nào khác không, thưa bác sĩ?

Ngập ngừng giây lát bác sĩ nói:

– Chỉ còn một cách duy nhất là tìm ra người bằng lòng hiến thận.

Đôi mắt bà Hai sáng lên:

– Tôi đây! Tôi đây! Xin làm phước đi! Kiếp sau tôi nguyện làm thân trâu ngựa để đáp đền ân sâu!

Bác sĩ nghiêm túc nói:

– Đây là một việc rất hệ trọng, vì nó liên quan đến tính mạng của cả người cho lẫn người nhận. Không thể giải quyết theo cảm tính được.

Bà Hai càng quyết liệt hơn:

– Tôi chấp nhận mọi sự rủi ro. Tôi chỉ có một yêu cầu là đừng cho con gái tôi biết gì cả, khi công việc thay ghép thận chưa hoàn tất.

Chiều lòng bà, bệnh viện yêu cầu bà kiểm tra sức khỏe trước khi có quyết định cuối cùng. Và kết quả thật trớ trêu, vì chính bà chỉ còn một quả thận hoạt động bình thường.

Lúc này bác sĩ có đủ lý do từ chối:

– Tôi rất cảm kích tình yêu của bà dành cho con gái. Nhưng lương tri của một bác sĩ không cho phép tôi làm như vậy. Vì trong việc thay ghép thận này, người nhận chưa chắc sống, mà người cho chắc chắn phải chết.

Nói thế rồi bác sĩ quay về phòng, còn bà lững thững bước đi như người mất hồn.

Ngay chiều hôm đó, người ta phát hiện bà Hai đang nằm thoi thóp ngoài hành lang gần phòng phẫu thuật. Một vết cắt thật sâu vào cổ tay làm máu rơi vãi tứ tung, bắt đầu từ khu nhà vệ sinh và kéo dài đến phòng phẫu thuật. Cạnh nơi bà nằm có ghi nguệch ngoạc mấy chữ bằng máu: “Xin cứu con gái tôi!”

Đến nước này, các bác sĩ không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc làm theo nguyện vọng của bà trước khi quá muộn màng.

Một cuộc giải phẫu đầy mạo hiểm được khẩn trương tiến hành. Sau nhiều giờ căng thẳng, các bác sĩ đã thay ghép thận thành công. Chỉ tiếc là cô gái phải vĩnh viễn chia xa người mẹ đến hai lần sanh ra mình. Về phần bà Hai Rau Muống, chắc hẳn bà cũng mãn nguyện lắm rồi, vì có mấy ai hơn bà, đã đi vào cõi thiên thai, mà một phần cơ thể vẫn còn đồng hành với đứa con yêu dấu trên dương trần.

ba-hai-rau-muong

Bình Luận